Thông tin du học Đức

Phân biệt Universität và Fachhochschule ? Hiểu như thế nào cho đúng?

Đối với người Việt chúng ta khi nghiên cứu tìm hiểu cơ hội du học bậc đại học, chắc hẳn sẽ hay gặp phải sự bối rối đối với cách gọi tên của các trường của Đức: Lúc thì Universität (Uni), lúc thì Fachhochschule (FH), lúc thì Hochschule? Vậy chúng ta nên phân biệt các khái niệm này như thế nào?

Theo quan niệm đơn giản kiểu cũ, một số người Việt hiểu nôm na như thế này: Universität (viết tắt là Uni) là tương đương với Đại học ở Việt Nam, và Fachhochschule (viết tắt FH) tương đương với Cao Đẳng ở Việt Nam. Ơ thế thì Hochschule thì là gì nhỉ? Cao học hay Học cao vì nếu cắt nghĩa ra tiếng Việt cứng nhắc thì “Hoch=cao” và “Schule=trường học”?

Một số người khác dùng từ khác đi, dựa trên phiên dịch tiếng Anh: Uni vẫn là Đại học, còn FH thì là Đại học khoa học ứng dụng, hoặc gọi tắt là Đại học ứng dụng, và Hochschule là… đại học. Vậy thì Uni với Hochschule khác nhau chỗ nào?

Và một câu hỏi quan trọng nhất là, bằng cấp của FH và Uni có gì khác nhau? Trong bài viết này, URIAH sẽ giúp bạn phân biệt Universität và Fachhochschule một cách dễ hiểu nhất nhé!

 

URIAH NEWS SỐ 37: Phân biệt Universität và Fachhochschule

Gốc gác lịch sử - Tiến trình Bologna

Có một điều chúng ta có thể dễ hình dung, đó là giữa các Quốc gia, nhất là các quốc gia có nền khoa học, giáo dục lâu đời nổi tiếng thì họ có những hệ thống và phân loại giáo dục khác nhau. 

Trước kia, các khái niệm văn bằng của Đức có khác biệt so với của Anh Quốc/Mỹ. Ví dụ như các trường Uni dạy kỹ thuật, KHÔNG đào tạo ra bằng Cử nhân (Bachelor), thậm chí không có Thạc sĩ (Master) vì đây là đặc thù phân loại kiểu Anh/Mỹ.  

Hay như tại Đức, hệ đào tạo Kỹ sư họ đào tạo ra văn bằng gọi là Diplom. Ingenieur, và để có được văn bằng này, sinh viên phải theo học ít nhất 9 học kỳ, có 2 thời kỳ thực tập và làm 2 luận án ? một lớn một nhỏ (Studienarbeit và Diplomarbeit).

Do đó có thể cho rằng bằng Diplom tương đương với bằng Thạc sĩ-Kỹ sư của hệ giáo dục Anh/Mỹ, chỉ khác là học ở Anh/Mỹ học xong Cử nhân (Bachelor) là có thể cầm 1 cái bằng đi ra ngoài làm việc, nếu có nhu cầu thì mới cần học lên Thạc sĩ (Master) rồi làm việc. Tuy nhiên học ở Đức thì chỉ có thể học tuốt lên tận Diplom tương đương trình độ Thạc sĩ, rồi mới có được tấm bằng ra đi làm, chứ không phải là làm xong cái luận án nhỏ (Studienarbeit) tương đương luận văn cử nhân là được nhận tấm bằng để đi làm.

Đầu những năm 2000, chính phủ Đức định hướng sẽ cần cạnh tranh với nền giáo dục tiếng Anh (UK/US) để thu hút nhân tài cho nước Đức cũng như đẩy mạnh marketing nền công nghệ Đức ra thế giới hơn nữa.

Vì thế họ cần thay đổi một chút hệ thống văn bằng đại học của họ sao cho nó mang tính cạnh tranh hơn, có khả năng làm tương quan so sánh hơn đối với những sinh viên nước ngoài muốn tìm một nền giáo dục ưu tú theo học. Và đó là lý do xuất hiện của Tiến trình Bologna (Bologna-Prozess), thay đổi hệ thống giáo dục cao cấp của Đức, hoàn thiện vào 2010. 

Sau Bologna-Prozess, hệ thống văn bằng đại học-sau đại học của Đức trở nên khá tương tự hệ thống của Anh/Mỹ (các khái niệm ECTS, Cử nhân/Thạc sĩ được áp dụng). Việc chuyển đổi bắc cầu học thuật giữa các loại hình trường cao đẳng, đại học cũng được triển khai. Và nó dẫn đến kết quả là ranh giới giữa Uni và FH được xóa nhòa đi so với trước kia.

Đương nhiên, khác biệt là vẫn tồn tại. Sau đây chúng ta sẽ cùng đi sâu tìm hiểu nhé.

Hướng dẫn phân biệt Universität và Fachhochschule

Các tiêu chí phân biệt Universität và Fachhochschule

1. TIÊU CHÍ ĐÀO TẠO

1.1. Tiêu chí đào tạo của Uni

Một cách đơn giản, Uni có thể dịch thẳng nghĩa ra tiếng Việt là Đại học tiêu chuẩn. Tại Đức, Uni là loại hình đào tạo Cấp cao nhất, đại diện cho nền khoa học toàn diện và tổng thể. Với hệ đào tạo Uni, sinh viên có thể theo học tất cả các lĩnh vực; như:  

  • Nông lâm nghiệp
  • Khoa học xã hội và cộng đồng
  • Kỹ thuật/Kỹ sư
  • Giảng dạy, sư phạm
  • Y dược và khoa học về sức khỏe
  • Khoa học tự nhiên và Toán (à cần phân biệt giữa ngành kỹ thuật và ngành khoa học tự nhiên nhé, ví dụ: cơ khi, điện tử là kỹ thuật, còn lý, hóa là khoa học tự nhiên)
  • Luật và kinh tế
  • Ngôn ngữ và văn hóa

Điều đó cũng có thể hiểu rằng, có những ngành học, chỉ có duy nhất các trường đại học Uni mới được tuyển sinh. Ví dụ: Y, Dược, Luật, Sư phạm nhân văn, nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ.

1.2. Tiêu chí đào tạo của FH

Có thể hiểu FH là trường có các khóa học/đào tạo theo hướng ứng dụng thực tiễn. Tức là các trường này thiên hẳn về hướng nghiên cứu ứng dụng, đúng theo nghĩa tiếng Anh của nó là “đại học khoa học ứng dụng”.

Giống như các trường Uni, FH cung có các khóa học về khoa học tự nhiên, xã hội, kinh tế, công nghệ và nghệ thuật. Tuy nhiên, khi theo học tại FH, mục tiêu đào tạo là tạo ra các khảo cứu về ứng dụng thực tiễn. Điều này thể hiện trong cấu trúc nội dung đào tạo và học kỳ thực tiễn (Praxissemester) của các trường FH, nhằm trực tiếp mang lại cho sinh viên “hương vị” của công việc thực tế của ngành họ đang học.

Nhiều trường FH cũng có các trung tâm chuyển giao công nghệ, nơi tạo ra các mối liên kết, giao lưu với các tổ chức kinh tế.

2. DẠY và HỌC Ở UNI và FH CÓ GÌ KHÁC NHAU

2.1 Dạy và học tại Uni 

Ở Uni, về cơ bản những gì sinh viên học được, nó phụ thuộc cực lớn vào khả năng TỰ HỌC của mỗi sinh viên. Giáo sư chỉ là người hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho sinh viên chứ ko thúc giục giám sát.

  • Dạy như thế nào, dạy gì, đó là tùy giáo sư. 
  • Bài tập về nhà? Giáo sư có thể không quan tâm lắm và sẽ giao cho tutor và trợ giảng. 
  • Sinh viên tiếp thu kiến thức gì? Giáo sư cũng không quan tâm lắm. Nếu học viên không hiểu thì có thể hỏi giáo sư, nếu học sinh không hỏi thì giáo sư coi như học sinh đã hiểu.
  • Thi cử ? Giáo sư có thể thậm chí không ra đề, mà giao cho trợ giảng ra đề và chấm bài luôn, Giáo sư chỉ cần duyệt nội dung đề là được. Vậy đề thì có phản ánh đúng và đủ nội dung giáo sư giảng không? Hên xui! 

Như vậy ở Uni, khả năng TỰ HỌC của mỗi sinh viên là vô cùng quan trọng. Giáo sư sẽ là người trả lời được, và chịu trách nhiệm trả lời MỌI CÂU HỎI liên quan đến chuyên môn giáo sư giảng dạy. Cũng có nghĩa là, giáo sư mong đợi sinh viên trước hết tự tìm hiểu vấn đề, tự học hỏi, sau đó … có gì không hiểu thì hỏi giáo sư. Các chuyện còn lại giáo sư có thể không quá quan tâm, mà giao hết cho trợ giảng và tutor. Các sinh viên Việt Nam cần vô cùng chú ý điều này nếu muốn tham dự chương trình học tại Uni tại Đức nhé.

2.2 Dạy và học tại FH 

Về giảng dạy, việc giảng dạy tại FH thiên về thực tế/có ứng dụng thiết thực hơn so với tại Uni. Việc dạy học FH cũng mang tính “cá nhân” hơn, vì giảng viên và sinh viên có thể làm quen nhau dễ hơn, nhanh hơn, . 

Trong quá khứ (trước Bologna-Prozess), nội dung giảng dạy tại các trường FH được quy phạm nghiêm khắc hơn so với trường Uni. Hơi khó hiểu, nhưng có thể hình dung là các học tập giảng dạy tại FH “giống trường học” hơn là tại Uni. Các hội thảo tại FH cũng có quy mô nhỏ hơn và dễ quản lý hơn so với Uni.

Lấy ví dụ trực quan, ở FH học 1 môn, mô hình có thể sẽ rất thường thấy giống các trường cấp 2,3, đó là giảng viên dạy theo sách, theo bài thảo sẵn, với mỗi bài có bài tập tương ứng về nhà, và sinh viên chỉ cần làm hết bài tập về nhà, biết cách giải bài tập, là có thể yên tâm thi đậu, vì đề thì sẽ bám sát nội dung bài giảng và dạng đề thi cũng bám sát bài tập về nhà. 

Điều đó dẫn đến việc, ở FH, sinh viên như kiểu “được dọn sẵn lộ trình tiếp thu các kiến thức cần thiết và thực tiễn”, “học theo lộ trình chắc chắn đủ đạt yêu cầu cơ bản”. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tại FH sinh viên ít có cơ hội hơn trong việc đào sâu nghiên cứu tìm hiểu các công nghệ chuyên sâu mà bản thân sinh viên có hứng thú, quan tâm.

Vì thế, quy mô kiến thức của sinh viên FH sẽ bị bó hẹp hơn so với sinh viên Uni. Nhưng ở chiều ngược lại, sinh viên Uni có thể bị phân tán kiến thức hơn sinh viên FH dẫn đến việc cái gì cũng nắm một chút nhưng không hiểu rõ một lĩnh vực nào nếu cách học không đúng, quy hoạch lộ trình học sai khi học ở Uni.

Tuy nhiên, sau Bologna-Prozess, với việc các khóa học được mô-đun hóa, các trường Uni có vẻ cũng giống FH hơn về quy phạm của nội dung kế hoạch đào tạo.

Phân biệt Universität và Fachhochschule

3. VỀ BẰNG CẤP, UNI VÀ FH CÓ GÌ KHÁC NHAU

Trước Bologna-Prozess, thì bằng do FH cấp bị ghi chú rõ ràng với tiêu chí “FH” đính kèm trong văn bằng. Có nghĩa là học vị FH cấp nhìn phát hiểu luôn đây là của FH, không thể “nhầm” thành học vị của Uni. Nhưng hiện nay, bằng Cử nhân (Bachelor) và Thạc sĩ (Master) được cấp bởi FH hay Uni đều có danh xưng giống hệt nhau.

Đó là về Danh xưng còn thực tế tại đức vẫn tồn tại một chút phân biệt bằng cấp của FH và UNi nhưng đó chắc chắn ko phải là rào cản thành công của một người tại Đức. Các bạn sinh viên vì thế hãy yên tâm lựa chọn mô hình học tập phù hợp với nguyện vọng và năng lực của mình nhé.

Và 1 câu hỏi cuối cùng: Tại sao nhiều trường FH (Fachhochschule) lại cắt chữ “Fach-“ thành chỉ còn “Hochschule” thôi?

Mục đích rất rõ ràng, đó là họ muốn làm rõ rằng họ “có sự so sánh tương đương” với các trường Uni, gần hơn với Uni, điều này làm cho ai mà ko hiểu về hệ thống đào tạo tại đức lại bối rối hơn 1 chút nữa, còn bản chất đó vẫn là FH các bạn nhé.

URIAH hi vọng sau bài viết này các bạn đã có thể hiểu rõ hơn về các khái niệm đại học rất khó hiểu tại Đức, nếu có gì thắc mắc, đừng ngại ngần hãy liên hệ URIAH để được tư vấn nha. Chúc các bạn sẽ có chương trình học tập thành công tại Đức.

Nghe thêm về Phân biệt Universität và Fachhochschule tại kênh Youtube của URIAH

Tìm hiểu thêm về DU HỌC ĐỨC HỆ ĐẠI HỌC/ CAO HỌC


Tin liên quan

Vui lòng để lại số điện thoại
Chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay!
0854 316 316