Cẩm nang du học Đức

Câu Chuyện Mua Thuốc Tại Đức

Đăng ngày: 01/01/1970

Câu chuyện mua thuốc tại Đức

Sau bài viết về việc đi khám bệnh tại Đức, chúng ta hẳn sẽ quan tâm đến một chủ đề khá là liên quan

Việc mua thuốc men tại Đức diễn ra như thế nào?

Mời các bạn hãy cùng URIAH tìm hiểu chủ đề này nhé

Ảnh minh họa

PHÂN LOẠI THUỐC

Nói đến khái niệm thuốc, chúng ta có thể chia ra khá nhiều loại hình, tựu chung lại có thể phân ra 3 thể loại:

Thuốc bổ, thực phẩm chức năng

Thuốc bổ, thực phẩm chức năng là các loại viên bổ sung vitamin và khoáng chất (viên sủi vitamin C, viên sủi kẽm, viên sủi vitamin tổng hợp), các loại thực phẩm chức năng gốc thảo dược (giống các loại thực phẩm chức năng như herballife, nuskin), các loại chiết xuất chất bổ (viên dầu cá omega, viên chiết xuất rau xanh, viên chiết xuất tinh chất gấc, bạch quả), các loại mỹ phẩm chăm sóc da, răng miệng, cơ thể

Nhóm này cũng bao gồm các sản phẩm sức khỏe bổ trợ không có nhiều tác dụng phụ đáng kể như các loại que test thử (test covid, thử thai), bông băng y tế, miếng dán vết thương, các loại kem đánh răng cho các loại bệnh lý răng, dầu gió, ba con sói

Ánh minh họa

Thuốc không kê đơn

Như tên gọi của nó, đây là nhóm thuốc không cần phải có kê đơn của bác sĩ. Do đó, đây là thuốc điều trị bệnh thông thường, nhẹ, ít hoặc không có tác dụng phụ.

Chúng ta có thể kể đến các loại thuốc chữa các bệnh nhẹ phổ biến và ít có tác dụng phụ như thuốc trị ho, thuốc trị tiêu chảy cấp, thuốc bổ (không phải thực phẩm chức năng), thuốc đỏ, thuốc tránh thai?

Ảnh minh họa

Thuốc đặc trị

Đây là các loại thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh nặng, thuốc có nhiều tác dụng phụ, thuốc đặc trị, thuốc giảm đau có yếu tố gây nghiện chúng bị quản lý nghiêm ngặt ở Đức.

Để có thể mua chúng, chúng ta bắt buộc cần chỉ định của bác sĩ. Đây là thuốc gây ảnh hưởng vì nhiều tác dụng phụ, nếu không có sự chẩn đoán từ bác sĩ chuyên môn sẽ không thể đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Nếu người bệnh mua về sử dụng có chuyện gì bất trắc, thì người bác sĩ chỉ định kê đơn thuốc phải chịu trách nhiệm, nhà thuốc không phải trách nhiệm gì cả (nếu đưa ra được toa thuốc mà bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân).

Nhưng nếu, nhà thuốc tự ý bán thuốc đặc trị cho người mua mà không có đơn thuốc chỉ định từ bác sĩ, khi bệnh nhân không may xảy ra bất trắc, nhà thuốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Ảnh minh họa

MUA THUỐC Ở ĐÂU? VÀ NHƯ THẾ NÀO?

Những cái tên quen thuộc: dm, Rossmann, Müller, Schlecker

Dựa vào phân loại thuốc ở mục trên, chúng ta có thể đoán rằng nhóm thuốc bổ, thực phẩm chức năng có thể dễ dàng mua được, không chỉ ở các nhà thuốc (Apotheke) mà còn ở các siêu thị hay các hệ thống cửa hàng tiện lợi.

Ảnh minh họa

Ở Đức có các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị nổi tiếng bán các loại thuốc bổ rẻ, đa dạng đó là DM, Rossmann, Müller, Schlecker.

Các thương hiệu bán lẻ này thậm chí nổi tiếng cả tại Việt Nam, bởi lẽ nó là các nguồn mua thực phẩm chức năng, mỹ phẩm Đức chủ chốt của các bạn du học sinh, tiếp viên hàng không mua và gửi về Việt Nam bán hoặc cho, tặng, làm quà.

Vâng, thực tế thì nó là các thương hiệu bán lẻ đồ lặt vặt lớn của Đức, đặc biệt mạnh trong mảng bán thực phẩm chức năng, vitamin, mỹ phẩm chăm sóc da, với hệ thống siêu thị nhỏ phân bố rộng rãi trên khắp nước Đức. Hơn nữa, tại đây có bán những sản phẩm có giá rất rất rẻ.

Lưu ý nhỏ: Ở các hệ thống này họ chỉ bán những thứ không cần chỉ định của bác sĩ và không nhận thanh toán bằng thẻ bảo hiểm y tế.

Nhà thuốc (Apotheke)

Với nhóm thứ hai, thuốc không kê đơn và thứ ba thuốc đặc trị, chúng ta phải đến các hiệu thuốc (Apotheke) mới có thể mua được.

Đặc điểm phân biệt loại thuốc không kê đơn và thuốc đặc trị nằm ở chỗ khi mua hai loại thuốc này, chúng ta có bị bắt buộc xuất trình toa thuốc chỉ định của bác sĩ hay không – và nhà thuốc họ cần toa thuốc chỉ định không phải chỉ để xem, mà họ còn có thể cần sao lưu chúng lại để làm căn cứ miễn trừ trách nhiệm nữa.

Đối với các hóa đơn mua thuốc điều trị bệnh đày đủ giấy tờ, việc thanh toán thuốc cũng có thể thông qua thẻ bảo hiểm y tế (giống như khi đi khám bệnh).

Nếu chúng ta mua các gói bảo hiểm y tế nhà nước, việc thanh toán hóa chi phí mua thuốc được đẩy thẳng về cho phái bảo hiểm thanh toán, chúng ta không phải trả tiền trực tiếp. Tất cả mọi việc chúng ta cần làm là chìa thẻ bảo hiểm y tế ra và để dược sĩ họ làm phần còn lại.

Nếu chúng ta mua các gói bảo hiểm y tế tư nhân, có thể chúng ta phải thanh toán trước, lấy hóa đơn, sau đó gửi bản sao hóa đơn và toa thuốc đến công ty bảo hiểm để họ thực hiện thủ tục hoàn tiền lại theo hợp đồng.

Yên tâm nhé các bạn du học sinh, chúng ta thuộc diện có thể mua bảo hiểm y tế nhà nước.

Ảnh minh họa

LƯU Ý KHI MUA THUỐC TẠI ĐỨC

Lưu ý 1: Không phải tất cả các loại thuốc đều được bảo hiểm thanh toán.

Khi đi mua thuốc ở nhà thuốc sẽ có vài trường hợp chúng ta không thể yêu cầu thanh toán bằng thẻ bảo hiểm y tế như sau:

Mua thuốc bổ, thực phẩm chức năng

Giống như mua viên sủi vitamin C ở dm, Rossmann, chúng ta phải tự trả chi phí mua loại thuốc này bảo hiểm sẽ không chi trả

Mua thuốc nhẹ không theo đơn

Không có bệnh án, không có đơn thuốc, toa thuốc được bác sĩ chỉ định, chúng ta vẫn có thể mua một số loại thuốc nhẹ thuộc nhóm hai giới thiệu ở trên, nhưng bảo hiểm cũng sẽ không chấp nhận chi trả cho chúng, đơn giản vì chúng ta đang tự ý mua thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, không ai chịu trách nhiệm cho những thứ ta mua và không ai đảm bảo chúng ta mua chúng để chữa bệnh theo điều khoản của hợp đồng bảo hiểm.

Một số loại thuốc đặc trị theo yêu cầu trong toa bác sĩ

Không hẳn tất cả thuốc trong toa thuốc bác sĩ đều nằm trong diện được bảo hiểm chi trả 100%, mặc dù chúng vẫn cần bác sĩ chỉ định mới có thể mua được (kèm toa thuốc).

Cụ thể thì rất phức tạp lằng nhằng, nhưng chúng ta có thể hỏi (hoặc bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn khi kê toa) là loại thuốc nào có thể được chi trả bởi bảo hiểm, loại nào không.

Thông thường các loại thuốc giảm đau không nằm trong nhóm này, các loại thuốc bổ trợ cũng có thể không nằm trong nhóm, hoặc 1 số loại thuốc đặc trị nào đó.

Ví dụ đơn giản: Viagra.

Lưu ý 2: Nhà thuốc không làm việc 24/7

Nhà thuốc cũng giống như phòng mạch tư nhân (Praxis), không làm việc 24/7. Họ có giờ đóng mở cửa được niêm yết ngoài cửa hoặc trên bảng hiệu, thường thì là giờ hành chính trong tuần, nghỉ chủ nhật. Một số nơi thậm chí không mở cửa vào chiều thứ sáu. Cho nên kể cả với việc đi mua thuốc, chúng ta cũng cần lên kế hoạch, chứ không phải cứ muốn là mua được

Lưu ý 3: Thận trọng mua thuốc online

Nếu mua thuốc online tại các hệ thống bán thuốc uy tín, cũng giống như mua thuốc tại nhà thuốc, không có gì khác cả.

Thuốc sẽ được ship qua đường bưu phẩm. Chúng ta vẫn cần cung cấp toa thuốc chỉ định nếu mua thuốc đặc trị, cần toa.

Gần đây có một số trang web bán thuốc cần kê toa nhưng lại không yêu cầu cung cấp đơn thuốc. Báo chí Đức có khá nhiều bài viết lên án và cảnh báo người dân không nên tự ý mua thuốc dạng này, vì có thể tiền mất tật mang mà không ai chịu trách nhiệm nếu có chuyện không hay xảy ra.

Sức khỏe là của mỗi người, mỗi người phải trân trọng và có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân!

Những chia sẻ trên của URIAH mong rằng hữu ích cho bạn, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc mua thuốc tại Đức.


Tin liên quan

Vui lòng để lại số điện thoại
Chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay!
0854 316 316